Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

TP HCM đẩy nhanh tiến độ quảng cáo trên xe buýt

Theo Uỷ ban Nhân dân TP.HCM, từ nay đến năm 2015, thành phố sẽ nghiên cứu thực hiện đề án quảng cáo bên ngoài thân xe buýt nhằm giảm trợ giá cho xe buýt.

Từ ngày 1/1/2013, Sở Giao thông vận tải thành phố (GTVT) tăng giá vé xe buýt từ 600-2.000 đồng/vé. Giá vé tăng đồng nghĩa với việc người dân đi xe buýt phải trả tiền nhiều hơn. Tuy nhiên, ngân sách thành phố trợ giá cho xe buýt năm 2013 vẫn tiếp tục tăng gần 200 tỷ đồng so với năm 2012 (1.283 tỷ đồng), đây là số tiền cao nhất trong 10 năm qua.

Theo ông Dương Hồng Thanh - Phó giám đốc Sở GTVT thành phố, ban đầu, việc tăng tiền vé xe buýt nhằm mục đích không tăng ngân sách trợ giá. Bởi theo tính toán của trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng thành phố, khoản thu từ việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt trong năm 2013 sẽ tăng thêm khoảng 240 tỷ đồng.

Xe buýt tuyến Bình Dương - TP.HCM (trái) dán quảng cáo trong khi tại TP.HCM chưa cho phép hoạt động này.
Thế nhưng khoản thu này chỉ đủ bù đắp tăng chi phí tiền lương nhân công cho hoạt động xe buýt năm 2013. Ông Thanh cũng cho rằng, sở dĩ tiền trợ giá vé cho xe buýt liên tục tăng những năm qua là do Nhà nước điều chỉnh tiền lương cơ bản, chi phí xăng dầu và giá vật tư phụ tùng xe tăng cao.

Không phải đến bây giờ thành phố mới nghĩ đến việc cho xe buýt làm quảng cáo để kéo giảm tiền ngân sách trợ giá cho xe buýt. Từ tháng 6/2011, Ủy ban Nhân dân TP HCM đã giao Sở GTVT chủ trì phối hợp với các sở ngành hướng dẫn trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng và công ty cổ phần Tầm nhìn thành phố tiến hành các thủ tục để thực hiện đề án xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu và khai thác quảng cáo thương mại trên xe buýt. Nhưng đến nay trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng vẫn chưa hoàn thành đề án trên.

Ông Lê Trung Tính - nguyên Trưởng phòng quản lý vận tải và công nghiệp Sở GTVT cho rằng, từ nay đến năm 2015 Uỷ ban Nhân dân thành phố sẽ nghiên cứu đề án cho xe buýt làm quảng cáo là quá chậm. Cách đây 5 năm, ông Tính đã đề xuất cấp thẩm quyền sớm cho xe buýt làm quảng cáo vì tiền thu được từ quảng cáo lúc đó khoảng 100 tỷ đồng/năm (trong khi số tiền trợ giá cho xe buýt 600-700 tỷ đồng).

Việc quảng cáo trên xe buýt không những góp phần làm giảm ngân sách trợ giá mà còn giúp các doanh nghiệp, chủ xe thường xuyên lau rửa xe sạch đẹp hơn theo yêu cầu của nhà quảng cáo.

Ông Tính cho rằng số tiền trợ giá xe buýt hiện đã vọt lên gần 1.500 tỷ đồng là quá lớn, vì vậy việc tìm phương thức để kéo giảm tiền trợ giá cho xe buýt cần được làm ngay.

Ông Phùng Đăng Hải - Tổng giám đốc liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP.HCM (đơn vị có 1.000 xe buýt trong tổng số 3.000 xe) cho biết, đến nay mới nghĩ đến việc cho xe buýt làm quảng cáo là quá chậm, nhưng chậm còn hơn không làm.

Ông Hải nói thêm, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ đã cho xe buýt làm quảng cáo cách đây năm năm rồi, đến nay vẫn hoạt động tốt.

Ông Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó chủ tịch thường trực Uỷ ban Nhân dân TP.HCM): Có thể khai thác được nguồn thu hợp lý

Các năm trước Uỷ ban Nhân dân TP.HCM đã chỉ đạo xây dựng đề án nhận diện xe buýt kết hợp với quảng cáo, nghĩa là sắp đặt màu sắc các xe gắn với từng tuyến xe buýt để người dân dễ nhận diện và có khai thác quảng cáo trên xe. Tôi đã chủ trì, góp ý kiến nhiều lần để đón Luật quảng cáo ra đời ngay từ khi Quốc hội chưa thông qua. Thật ra quảng cáo trên xe buýt không phải là vấn đề chính để giảm bớt ngân sách trợ giá xe buýt mà đây chỉ là một phần. Bởi nguồn thu nào có thể khai thác được một cách hợp lý, đúng quy định pháp luật, lợi cho cái chung thì nên chú ý.

Về khai thác quảng cáo trên xe buýt có nhiều quan điểm khác nhau, cũng có ý kiến cho rằng khai thác quảng cáo trên loại xe này sẽ làm rối rắm, mất mỹ quan và lúc đó Luật quảng cáo chưa được thông qua. Nhưng một số tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai đã làm quảng cáo trên xe buýt và thực tế một số xe có chạy đến địa bàn TP. Hà Nội cũng bắt đầu làm. Hiện đã có Luật quảng cáo nên căn cứ vào hành lang pháp lý này để thực hiện và quảng cáo ở phạm vi nào, mức độ nào... tùy mỗi địa phương quyết định.

Theo Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét